90% số nhang trên thị trường là do các cơ sở nhỏ lẻ cung cấp. Giá bán lẻ từ 40.000-55.000 đồng/bó (500-600 cây/bó) nhang thường, trong khi nhang "sạch" lên đến 150.000-300.000 đồng/bó.
Khu vực quận 5, 6, 11, huyện Bình Chánh, TP HCM có cả trăm cơ sở sản xuất nhang. Ông Ngô Minh Khải, chủ một cơ sở ở quận 6, nhìn nhận nghề làm nhang rất đơn giản, đầu tư thấp nên ai cũng có thể làm.
Trước đây muốn làm phải học cách se nhang và công thức phối trộn nguyên liệu nhưng bây giờ đã có máy móc, chỉ cần ngồi nhà gọi điện thoại là có người cung cấp trọn gói bao gồm trộn nhang, trộn hương liệu, màu, chất dẫn cháy và tăm tre. "Làm nhang vốn ít nhưng lời nhiều, bảo đảm đủ ăn, đủ mặc quanh năm" - ông Khải nói.
Theo giới chuyên môn, thuở xa xưa, nhang được làm từ nguyên liệu thiên nhiên nên ít độc hại. Có thể sử dụng nguyên liệu sẵn có ở vùng quê như rơm rạ, mạc cưa, lá gòn, bã mía xay nhuyễn làm bột nhang và dùng vỏ quýt, cam, ngải cứu tạo mùi thơm.
Nhang cao cấp thì sử dụng trầm hương kết hợp với nhựa cây bời lời để tạo chất kết dính. Hiện nay, một số công ty quay lại sử dụng những nguyên liệu này để làm nhang "sạch", giá bán khá cao so với mặt bằng chung. Ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Công ty Nhang Thiền (TP HCM), cho biết nhang "sạch" của công ty ông sử dụng bột trầm hương với nhựa cây bời lời nên có giá thành cao gấp 10 lần nhang thường.
Theo TS Phạm Thành Quân, Khoa Kỹ thuật Hóa học Trường ĐH Bách khoa TP HCM, khi đốt nhang, các loại hóa chất gặp nhiệt sẽ dẫn đến phản ứng hóa học tạo ra chất độc, thậm chí độc hơn khói thuốc lá. Nhang không khói độc hại hơn nhang tạo ra khói vì sản sinh axít gây nguy hiểm cho những người xung quanh.
"Thành phần nhang gồm có bột gỗ, tre, thảo dược, hóa chất tạo mùi, chất kết dính khi đốt sẽ tạo ra một số chất dạng hạt chiếm 45 mg/g cũng như sinh ra CO, CO2, NO2, SO2, benzene, toluene, xylenes, aldehydes, formaldehyde, hydrocarbon thơm đa vòng.
Thông thường, các chất độc này tác động đến hệ hô hấp, kích ứng đường thở gây ho, hắt hơi, khó thở, chảy mũi và đặc biệt nguy hiểm đối với những người bệnh hen suyễn vì làm phát cơn hen cấp tính. Một số loại khi đốt sẽ tác động lên tế bào, các chủng khuẩn gây hại tế bào, gây đột biến, ung thư…" - TS Quân phân tích. TS Quân cho biết thêm lưu huỳnh dẫn cháy sinh ra chất SO2, NO2, CO2, nếu hít phải sẽ ảnh hưởng đến khứu giác, mờ mắt; chất formaldehyde chống mốc có trong nhang làm tim đập mạnh, giảm thân nhiệt.
Dù độc hại như vậy nhưng nhang không nằm trong danh mục quản lý của các cơ quan nhà nước. Cả Trung tâm Y tế dự phòng và Sở Công Thương TP HCM đều không có chức năng, nhiệm vụ quản lý việc sản xuất - kinh doanh mặt hàng này.
Theo ông Đoàn Quang Luân, Trưởng Phòng Kinh tế quận 6, hiện có gần 40 cơ sở sản xuất nhang đăng ký hoạt động tại quận. Sở dĩ các cơ quan chức năng không kiểm tra là do sản xuất nhang thuộc ngành nghề truyền thống, đồng thời không có tiêu chuẩn về chất lượng
Nguồn: Báo Người Lao Động
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn